Cơn đau lưng hoặc cảm giác tê bì đầu ngón tay có thể là những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh “viêm tủy sống”, căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng tủy sống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như liệt hoàn toàn thậm chí tử vong.
Bác sĩ Kitidate Boonchai, bác sĩ Ngoại Chỉnh hình, chuyên khoa Phẫu thuật cột sống, bệnh viện Vejthani cho biết: Viêm tủy sống (Transverse Myelitis) là tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc nhiều đoạn của tủy sống, trong đó tủy sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình dẫn truyền các tín hiệu thần kinh từ não đến các hệ cơ quan trong cơ thể, gây rối loạn chức năng hệ thần kinh, dẫn đến tê bì và yếu cơ ở cả hai bàn chân, sau đó lan dần đến hai chân. Đối với một số trường hợp sẽ phát khởi triệu chứng đau nhức lưng đột ngột, sau đó hai chân dần yếu sức, cho đến khi bị liệt không thể đi lại, không thể bài tiết. Những triệu chứng này sẽ nghiêm trọng dần chỉ sau vài giờ đến vài ngày, đồng thời bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt, chán ăn, đau đầu và đau cổ kèm theo.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra viêm tủy sống, đồng thời có thể xảy ra ở mọi giới tính, mọi độ tuổi và hiếm khi liên quan đến di truyền hoặc gia đình
- Bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis) hoặc SLE hoặc những bệnh nhân có tiền sử tiêm vắc xin
- Nhiễm vi rút như HIV, herpes virus, herpes simple, EBV hoặc poliovirus
- Nhiễm khuẩn như giang mai (Syphilis)
- Nhiễm ký sinh trùng hoặc nấm
Để chẩn đoán bệnh viêm tủy sống, bác sĩ thường bắt đầu bằng việc hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và tiến hành khám lâm sàng để đánh giá chức năng thần kinh. Các phương pháp xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ hơn vùng viêm ở tủy sống, tổn thương của vỏ myelin bao bọc các sợi thần kinh và các bất thường khác có thể ảnh hưởng đến tủy sống hoặc mạch máu nuôi tủy. Ngoài ra, thủ thuật chọc dò dịch não tủy (lumbar puncture) cũng được thực hiện để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng, đo nồng độ protein và số lượng tế bào bạch cầu, những chỉ số có thể tăng cao ở người bệnh. Cuối cùng, các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh cụ thể.
Việc điều trị viêm tủy sống phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus, tuy nhiên, nếu nguyên nhân là do rối loạn hệ miễn dịch trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần được điều trị bằng phương pháp truyền tĩnh mạch corticosteroid liều cao, nếu tình trạng không cải thiện, phương pháp thay huyết tương có thể được xem xét. Đối với điều trị dài hạn, phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm, nếu có rủi ro tái phát cao, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, tối thiểu từ 3 đến 5 năm.
Mặc dù hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tủy sống, tuy nhiên việc duy trì một lối sống lành mạnh như ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và tránh nhiễm trùng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Liên hệ tư vấn:
Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Vejthani
Điện thoại: (+66)2-734-0000 Ext. 2299
Hotline tiếng Việt: (+66)97-291-3351
- Readers Rating
- Rated 4.8 stars
4.8 / 5 (Reviewers) - Spectacular
- Your Rating